Hội đồng Trọng tài có bao nhiêu Trọng tài viên ?


Hội đồng Trọng tài có bao nhiêu Trọng tài viên ? Hội đồng Trọng tài được thành lập như thế nào?



Nếu có cần tư vấn ? Đừng ngần ngại Liên hệ hotline chăm sóc khách hàng 0385027239 hoặc TƯ VẤN

    1. Hội đồng trọng tài có bao nhiêu Trọng tài viên?

    Nếu các bên không có thỏa thuận về số lượng Trọng tài viên thì tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài có bao nhiêu Trọng tài viên? Theo Điều 11 Quy tắc VNEAC, vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài viên duy nhất thì vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên.

    2. Việc thành lập Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên được tiến hành như thế nào?

    Việc thành lập Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên được quy định chi tiết tại Điều 12 Quy tắc VNEAC, tuy nhiên có thể mô tả tóm tắt như sau:

    Nguyên đơn chọn một Trọng tài viên hoặc yêu cầu Chủ tịch VNEAC chỉ định một Trọng tài viên thay cho Nguyên đơn.

    Bị đơn chọn một Trọng tài viên hoặc yêu cầu Chủ tịch VNEAC chỉ định một Trọng tài viên thay cho Bị đơn.

    Hai Trọng tài viên được Nguyên đơn, Bị đơn chọn hoặc được Chủ tịch VNEAC chỉ định sẽ bầu Trọng tài viên thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.

    3. Việc thành lập Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất được thực hiện như thế nào?

    Điều 13 Quy tắc VNEAC, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày Bị đơn nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan, các bên phải thống nhất chọn Trọng tài viên duy nhất hoặc yêu cầu VNEAC chỉ định Trọng tài viên duy nhất và phải thông báo cho VNEAC. Trong trường hợp tên của người được chọn làm Trọng tài viên duy nhất không có trong Danh sách Trọng tài viên thì các bên phải thông báo cho VNEAC địa chỉ liên lạc của Trọng tài viên này.

    Trong trường hợp VNEAC không nhận được thông báo, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn 30 ngày nêu trên, Chủ tịch VNEAC ra quyết định chỉ định Trọng tài viên duy nhất.

    4. Trường hợp Bị đơn không chọn Trọng tài viên thì việc thành lập Hội đồng Trọng tài sẽ được tiến hành như thế nào

    Theo Điều 12 và Điều 13 Quy tắc VNEAC, trong trường hợp các bên không thống nhất được việc chọn Trọng tài viên hoặc Bị đơn không chọn Trọng tài viên, không yêu cầu VNEAC chỉ định Trọng tài viên thì Chủ tịch VNEAC sẽ ra quyết định chỉ định Trọng tài viên thay cho các bên.

    5. Khi có khiếu nại về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài thì ai có thẩm quyền xem xét khiếu nại và trong thời gian khiếu nại thì tố tụng trọng tài có bị dừng lại hay không?

    Điều 28 Quy tắc VNEAC quy định như sau:

    Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền quyết định về thẩm quyền của chính mình, cho dù có phản đối về sự tồn tại hoặc hiệu lực của thỏa thuận trọng tài. Điều khoản trọng tài là một phần của hợp đồng được coi là một thỏa thuận độc lập với các điều khoản khác của hợp đồng. Quyết định của Hội đồng Trọng tài rằng hợp đồng vô hiệu không làm mất hiệu lực của thỏa thuận trọng tài.

    Trước khi xem xét nội dung của vụ tranh chấp, Hội đồng Trọng tài phải xem xét sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài, hiệu lực của thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét phạm vi thẩm quyền của mình cho dù có hay không có khiếu nại của một bên về các vấn đề này.

    Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài cho rằng thỏa thuận trọng tài có tồn tại, thỏa thuận trọng tài có hiệu lực và thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được thì Hội đồng Trọng tài tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp. Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài cho rằng thỏa thuận trọng tài không tồn tại hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng Trọng tài ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp. Hội đồng Trọng tài có thể lập riêng Quyết định về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài hoặc quyết định vấn đề thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài trong Phán quyết trọng tài.

    Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu phát hiện Hội đồng Trọng tài vượt quá thẩm quyền, các bên có quyền khiếu nại với Hội đồng Trọng tài. Hội đồng Trọng tài phải xem xét, quyết định

    6. Hội đồng trọng tài có thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không?

    Theo Khoản 2 Điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm:

    a) Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;

    b) Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;

    c) Kê biên tài sản đang tranh chấp;

    d) Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;

    đ) Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;

    e) Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

    7. Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền thu thập chứng cứ hay không?

    Theo Điều 46 Luật Trọng tài thương mại 2010, các bên có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Hội đồng trọng tài và theo yêu cầu của một hoặc các bên, Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan, có quyền trưng cầu giám định, định giá tài sản, có quyền tham vấn ý kiến chuyên gia và nếu đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà vẫn không thu thập được chứng cứ, Hội đồng trọng tài có thể gửi đơn yêu cầu Toà án hỗ trợ.

    8. Hội đồng trọng tài có thẩm quyền triệu tập người làm chứng hay không?

    Căn cứ điều 47 Luật Trọng tài thương mại 2010, theo yêu cầu của một hoặc các bên và xét thấy cần thiết, Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng có mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp. Chi phí cho người làm chứng do bên yêu cầu triệu tập người làm chứng chịu hoặc do Hội đồng trọng tài phân bổ. Trường hợp người làm chứng đã được Hội đồng trọng tài triệu tập hợp lệ mà không đến phiên họp nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc giải quyết tranh chấp, thì Hội đồng trọng tài gửi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định triệu tập người làm chứng đến phiên họp của Hội đồng trọng tài.