QUY TẮC TỐ
TỤNG TRỌNG TÀI
(Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01
năm 2023)
Điều 1. Phạm
vi áp dụng
Quy tắc Tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài liên đoàn doanh nghiệp Việt Nam
(“Quy tắc”) được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Giải quyết các vụ tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Thành phố Hồ Chí
Minh (“VNEAC”).
- Trong trường hợp các bên thỏa thuận tranh chấp được giải quyết bởi VNEAC hoặc
tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài theo Quy tắc tố tụng của VNEAC, các
bên được xem là đã đồng ý thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc VNEAC và theo
Quy tắc này.
- Quy tắc này được áp dụng để giải quyết các vụ tranh chấp có tố tụng trọng tài bắt
đầu kể từ ngày 03/01/2023, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Điều 2. Giải thích
từ ngữ
- “VNEAC” là Trung tâm trọng tài liên đoàn doanh nghiệp Việt Nam.
- “Hội đồng Trọng tài” là Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Quy tắc
này, gồm ba Trọng tài viên hoặc một Trọng tài viên duy nhất.
- “Tranh chấp có yếu tố nước ngoài” là tranh chấp được xác định là tranh
chấp có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- “Danh sách Trọng tài viên” là Danh sách Trọng tài viên của VNEAC.
- “Nguyên đơn” bao gồm một hoặc nhiều Nguyên đơn.
- “Bị đơn” bao gồm một hoặc nhiều Bị đơn.
Điều 3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của VNEAC
VNEAC giải quyết các loại tranh chấp sau:
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài
thương mại.
Điều 4. Luật áp dụng giải quyết tranh chấp
- Đối với vụ tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp
luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp.
- Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật
do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng
thì Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng Trọng tài cho là
phù hợp nhất.
- Hội đồng Trọng tài có thể áp dụng tập quán thích hợp để giải quyết tranh chấp.
- Trong mọi trường hợp, Hội đồng Trọng tài phải xem xét các điều khoản của hợp đồng
nếu có để giải quyết tranh chấp.
Điều 5. Địa
điểm trọng tài
- Địa điểm trọng tài do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận,
Hội đồng Trọng tài quyết định địa điểm mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp nhất.
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, Hội đồng Trọng tài có thể tổ chức cuộc
họp bằng phương thức mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp nhất.
Điều 6. Ngôn
ngữ trọng tài
- Đối với vụ tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng
trọng tài là tiếng Việt.
- Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài hoặc tranh chấp mà ít nhất một bên là
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài
do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận, ngôn ngữ trọng tài
do Hội đồng Trọng tài quyết định, có tính đến các yếu tố liên quan bao gồm ngôn
ngữ của hợp đồng.
- Nếu tài liệu được lập bằng ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ trọng tài thì Hội đồng
Trọng tài hoặc VNEAC, trong trường hợp Hội đồng Trọng tài chưa được thành lập,
có thể yêu cầu một bên hoặc các bên cung cấp bản dịch.
Điều 7. Tranh chấp từ nhiều hợp đồng
Các yêu cầu khởi kiện phát sinh từ hoặc liên quan đến nhiều hơn một
hợp đồng có thể được gộp trong một Đơn khởi kiện để được giải quyết
trong một vụ tranh chấp, cho dù các yêu cầu đó được lập trên cơ sở
một hoặc nhiều thỏa thuận trọng tài. Thẩm quyền quyết định thuộc về VNEAC.
Điều 8. Gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp
- Các bên có thể thỏa thuận gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp.
Thẩm quyền quyết định thuộc về VNEAC.
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, các vụ tranh chấp được gộp vào
vụ tranh chấp có tố tụng trọng tài bắt đầu trước tiên.
Điều 9. Số lượng Trọng tài viên giải quyết tranh chấp
- Tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất hoặc
ba Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên.
- Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội
đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất, vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội
đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên.
Điều
10. Bắt đầu tố tụng trọng tài
Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, tố tụng trọng tài bắt đầu từ ngày
VNEAC nhận được Đơn khởi kiện của Nguyên đơn theo quy định tại Điều
14 của Quy tắc này.
Điều 11. Việc gửi thông báo, tài liệu; cách tính thời hạn
- Thông báo, tài liệu do một bên gửi đến VNEAC phải đủ số bản để VNEAC gửi cho
các thành viên của Hội đồng Trọng tài mỗi người một bản, bên còn lại trong vụ tranh
chấp một bản và lưu tại VNEAC một bản.
- Các thông báo, tài liệu được VNEAC gửi đến các bên hoặc người đại diện của các
bên theo địa chỉ do các bên cung cấp và có thể được gửi bằng phương thức giao nhận
trực tiếp, thư bảo đảm, thư điện tử, fax hoặc bất kỳ phương thức nào khác có ghi
nhận việc gửi này.
- Thông báo, tài liệu do VNEAC gửi tới các bên được xem là đã được nhận vào ngày
mà các bên hoặc đại diện của các bên đã nhận, hoặc được xem là đã nhận nếu thông
báo, tài liệu đó đã được gửi phù hợp với khoản 2 Điều này.
- Thời hạn quy định trong Quy tắc này bắt đầu được tính kể từ ngày tiếp theo ngày
mà thông báo, tài liệu được xem là đã nhận được theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Nếu ngày tiếp theo đó không phải là ngày làm việc theo quy định của quốc gia, vùng
lãnh thổ nơi nhận, thời hạn này bắt đầu được tính từ ngày làm việc đầu tiên tiếp
theo. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn không phải là ngày làm việc theo
quy định của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi nhận, thời hạn này kết thúc vào
cuối ngày làm việc đầu tiên tiếp theo.
Điều 12. Tham gia tố tụng trọng tài
- Các bên có thể tham gia trực tiếp hoặc ủy quyền hợp lệ cho người đại diện tham gia
tố tụng trọng tài.
- Hội đồng Trọng tài hoặc VNEAC, nếu Hội đồng Trọng tài chưa được thành lập, có
quyền yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ chứng minh thẩm quyền của người tham gia
tố tụng trọng tài.
- Trường hợp một bên tham gia tố tụng trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực
hành vi, tố tụng trọng tài được thực hiện theo quy định tại khoản 1.1 Điều 29 của
Quy tắc này, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
- Trường hợp một bên tham gia tố tụng trọng tài là tổ chức chấm dứt hoạt động, bị
phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức,
tố tụng trọng tài được thực hiện theo quy định tại khoản 1.2 Điều 29 của Quy tắc
này, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Điều 13.
Mất quyền phản đối
Trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của pháp luật về trọng tài
hoặc của Quy tắc này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố
tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm đó trong thời hạn do pháp luật liên
quan hoặc Quy tắc này quy định, thì mất quyền phản đối. Đối với các trường
hợp không quy định thời hạn phản đối, việc phản đối phải được đưa
ra chậm nhất trước thời điểm Hội đồng Trọng tài tuyên bố phiên họp
giải quyết vụ tranh chấp là phiên họp cuối cùng, trừ trường hợp các
bên có thỏa thuận khác về thời hạn.
Điều 14. Đơn khởi
kiện
- Đơn khởi kiện phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
1.1. Ngày, tháng, năm lập đơn khởi
kiện;
1.2. Tên, địa chỉ của Nguyên đơn và Bị
đơn;
1.3. Tên, địa chỉ của người làm chứng,
nếu có;
1.4. Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;
1.5. Cơ sở khởi kiện;
1.6. Trị giá của vụ tranh chấp và
các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn;
1.7. Tên Trọng tài viên được Nguyên
đơn chọn hoặc yêu cầu VNEAC chỉ định Trọng tài viên theo quy định tại Điều khoản
1 Điều 18 của Quy tắc này;
1.8. Chữ ký của Người đại diện theo
pháp luật hoặc của Người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Nguyên đơn là tổ
chức; chữ ký của cá nhân Nguyên đơn hoặc của Người đại diện theo ủy quyền trong
trường hợp Nguyên đơn là cá nhân.
- Kèm theo Đơn khởi kiện phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các
tài liệu có liên quan.
- Đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo phải được gửi đủ số bản theo quy định tại
khoản 1 Điều 11 của Quy tắc này.
Điều 15. Gửi Thông báo và Đơn khởi kiện
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được Đơn khởi kiện, các tài
liệu khác có liên quan và phí trọng tài theo quy định tại khoản 1 Điều
37 của Quy tắc này, VNEAC gửi tới Bị đơn Thông báo, Đơn khởi kiện
và các tài liệu có liên quan, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác
về thời hạn.
Điều 16. Bản tự bảo
vệ
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện và các tài
liệu liên quan từ VNEAC, Bị đơn phải gửi tới VNEAC Bản tự bảo vệ, trừ trường
hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn.
- Bản tự bảo vệ phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
2.1. Ngày, tháng, năm lập Bản tự
bảo vệ;
2.2. Tên và địa chỉ của Bị đơn;
2.3. Tên và địa chỉ của người làm chứng,
nếu có;
2.4. Cơ sở và chứng cứ tự bảo vệ;
2.5. Tên của Trọng tài viên được
Bị đơn chọn hoặc yêu cầu VNEAC chỉ định Trọng tài viên theo quy định tại khoản
2 Điều 18 của Quy tắc này.
2.6. Chữ ký của Người đại diện theo pháp
luật hoặc của Người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là tổ chức; chữ
ký của cá nhân Bị đơn hoặc Người đại diện theo ủy quyền của Bị đơn trong trường
hợp Bị đơn là cá nhân.
- Trường hợp Bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng
tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận
trọng tài không thể thực hiện được thì Bị đơn phải nêu rõ phản đối trong Bản tự
bảo vệ. Nếu Bị đơn không nêu rõ phản đối trong Bản tự bảo vệ, Bị đơn
mất quyền phản đối, trong trường hợp này, Bị đơn vẫn phải chọn Trọng
tài viên hoặc yêu cầu VNEAC chỉ định Trọng tài viên.
- Trong trường hợp có yêu cầu gia hạn thời hạn gửi Bản tự bảo vệ, Bị
đơn vẫn phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu VNEAC chỉ định Trọng
tài viên trong thời hạn 30 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều này.
- Theo yêu cầu của Bị đơn, thời hạn gửi Bản tự bảo vệ của Bị đơn có thể được VNEAC
gia hạn căn cứ vào từng trường hợp cụ thể nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày kết
thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này. Yêu cầu gia hạn phải được lập bằng
văn bản và gửi tới VNEAC trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.
- Bản tự bảo vệ và các tài liệu kèm theo phải được gửi đủ số bản theo quy định tại
khoản 1 Điều 11 của Quy tắc này.
- Trường hợp Bị đơn không nộp bản tự bảo vệ trong thời hạn quy định tại Điều này,
tố tụng trọng tài vẫn được tiến hành.
Điều 17.
Đơn kiện lại của Bị đơn
- Bị đơn có quyền kiện lại Nguyên đơn về những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp.
Đơn kiện lại phải căn cứ vào thỏa thuận trọng tài mà dựa vào đó Nguyên
đơn đã khởi kiện Bị đơn. Đơn kiện lại phải được lập bằng văn bản riêng,
độc lập với Bản tự bảo vệ. Đơn kiện lại phải được gửi tới VNEAC
vào cùng thời điểm gửi Bản tự bảo vệ.
- Đơn kiện lại phải bao gồm có các nội dung chủ yếu sau đây:
2.1. Ngày, tháng, năm lập đơn;
2.2. Tên và địa chỉ của Nguyên đơn
và Bị đơn;
2.3. Tên và địa chỉ của người làm
chứng, nếu có;
2.4. Tóm tắt nội dung vụ kiện lại;
2.5. Cơ sở và chứng cứ kiện lại;
2.6. Trị giá của vụ kiện lại và các
yêu cầu cụ thể khác của Bị đơn.
2.7. Chữ ký của Người đại diện theo pháp
luật hoặc của Người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là tổ chức; chữ
ký của cá nhân Bị đơn hoặc Người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn
là cá nhân.
- Đơn kiện lại và các tài liệu kèm theo phải lập đủ số bản theo quy định tại khoản
1 Điều 11 của Quy tắc này.
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 07 ngày kể
từ ngày VNEAC nhận được Đơn kiện lại, các tài liệu kèm theo và phí trọng tài
theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Quy tắc này, VNEAC gửi tới Nguyên
đơn Thông báo, Đơn kiện lại và các tài liệu liên quan.
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 30 ngày kể
từ ngày nhận được Thông báo, Đơn kiện lại và các tài liệu kèm theo do VNEAC gửi,
Nguyên đơn phải gửi tới VNEAC Bản tự bảo vệ đối với Đơn kiện lại. Bản tự bảo vệ
phải được gửi đủ số bản theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Quy tắc này.
- Theo yêu cầu của Nguyên đơn, thời hạn gửi Bản tự bảo vệ của Nguyên đơn đối với Đơn
kiện lại có thể được VNEAC gia hạn căn cứ vào từng trường hợp cụ thể nhưng không
quá 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại khoản 5 Điều này. Yêu cầu
gia hạn phải được lập bằng văn bản và gửi tới VNEAC trong thời hạn quy định tại
khoản 5 Điều này.
- Đơn kiện lại được giải quyết bởi chính Hội đồng Trọng tài giải quyết Đơn khởi kiện
của Nguyên đơn và được giải quyết đồng thời với Đơn khởi kiện của Nguyên đơn.
Điều 18. Thành lập Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, Nguyên đơn phải chọn hoặc
yêu cầu VNEAC chỉ định một Trọng tài viên. Trong trường hợp vụ tranh
chấp có nhiều Nguyên đơn thì các Nguyên đơn phải thống nhất chọn một
Trọng tài viên và phải thông báo cho VNEAC, hoặc thống nhất yêu cầu
VNEAC chỉ định một Trọng tài viên. Trong trường hợp người được chọn
làm Trọng tài viên không có tên trong Danh sách Trọng tài viên, Nguyên
đơn phải thông báo cho VNEAC thông tin liên lạc của Trọng tài viên này.
Trường hợp Nguyên đơn yêu cầu VNEAC chỉ định Trọng tài viên, trong
thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu này, Chủ tịch VNEAC
ra quyết định chỉ định một Trọng tài viên cho Nguyên đơn.
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận
được Đơn Khởi kiện của Nguyên đơn và các tài liệu kèm theo do VNEAC gửi, Bị đơn
phải thông báo cho VNEAC tên của Trọng tài viên được Bị đơn chọn hoặc yêu cầu
VNEAC chỉ định một Trọng tài viên. Trong trường hợp vụ tranh chấp có nhiều Bị
đơn, các Bị đơn phải thống nhất chọn một Trọng tài viên hoặc thống nhất yêu cầu
VNEAC chỉ định một Trọng tài viên. Trong trường hợp người được chọn làm
Trọng tài viên không có tên trong Danh sách Trọng tài viên, Bị đơn phải
thông báo cho VNEAC thông tin liên lạc của Trọng tài viên nà
Trường hợp Bị đơn không chọn Trọng tài viên và không yêu cầu VNEAC chỉ định Trọng
tài viên, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại khoản
này, Chủ tịch VNEAC ra quyết định chỉ định một Trọng tài viên cho Bị đơn.
Trường hợp Bị đơn yêu cầu VNEAC chỉ định Trọng tài viên, trong thời
hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu này, Chủ tịch VNEAC ra quyết
định chỉ định một Trọng tài viên cho Bị đơn.
- Chủ tịch Hội đồng Trọng tài
3.1. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận
khác, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày Trọng tài viên của Bị đơn nhận được thông
báo được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên, các Trọng tài viên được chọn
hoặc được chỉ định phải bầu Trọng tài viên thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài
và thông báo cho VNEAC.
3.2. Trong thời hạn 05 ngày kể từ
ngày kết thúc thời hạn quy định tại điểm 3.1 khoản 3 Điều này mà VNEAC không nhận
được thông báo bầu Chủ tịch Hội đồng Trọng tài hoặc thông báo về việc bầu Chủ tịch
Hội đồng Trọng tài không thực hiện được, Chủ tịch VNEAC chỉ định Chủ tịch Hội
đồng Trọng tài.
- Trường hợp chỉ định Trọng tài viên theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều
này và Điều 19 của Quy tắc này, Chủ tịch VNEAC cân nhắc các tiêu chuẩn
cần thiết của Trọng tài viên theo thỏa thuận của các bên nếu có và theo
Quy tắc này, đồng thời cân nhắc lựa chọn Trọng tài viên có đủ thời gian
để giải quyết vụ tranh chấp hiệu quả.
- Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Hội đồng Trọng tài được thành lập theo quy định
của Điều này và Điều 19 của Quy tắc này, VNEAC phải thông báo bằng văn bản cho
các bên về việc thành lập Hội đồng Trọng tài.
Điều 19. Thành lập Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất
- Trường hợp các bên thỏa thuận vụ tranh chấp do Trọng tài viên duy nhất giải quyết,
trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bị đơn nhận được Thông báo, Đơn
khởi kiện và các tài liệu khác có liên quan, các bên phải thống nhất
chọn Trọng tài viên duy nhất hoặc yêu cầu VNEAC chỉ định Trọng tài viên duy
nhất và phải thông báo cho VNEAC trong thời hạn này. Trong trường hợp người
được các bên chọn làm Trọng tài viên duy nhất không có tên trong Danh sách
Trọng tài viên, các bên phải thông báo cho VNEAC thông tin liên lạc của
Trọng tài viên này.
- Trường hợp các bên yêu cầu VNEAC chỉ định Trọng tài viên duy nhất, trong
thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu này, Chủ tịch VNEAC
ra quyết định chỉ định một Trọng tài viên duy nhất cho các bên.
- Trường hợp VNEAC không nhận được thông báo của các bên về việc chọn Trọng tài
viên duy nhất hoặc yêu cầu VNEAC chỉ định Trọng tài viên duy nhất trong thời hạn
quy định tại khoản 1 Điều này, Chủ tịch VNEAC ra quyết định chỉ định Trọng tài
viên duy nhất trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn này.
Điều 20. Rút Đơn khởi kiện, đơn kiện lại; sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện,
đơn kiện lại, bản tự bảo vệ
- Trước khi Hội đồng Trọng tài ban hành Phán quyết trọng tài, các bên có quyền rút
Đơn khởi kiện, Đơn khởi kiện bổ sung, Đơn kiện lại, Đơn kiện lại bổ sung.
- Trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có thể sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện,
Đơn kiện lại và Bản tự bảo vệ trước thời điểm kết thúc Phiên họp giải quyết tranh
chấp. Hội đồng Trọng tài có quyền không chấp nhận các sửa đổi, bổ sung này nếu xét
thấy việc đó bị lạm dụng nhằm gây khó khăn, trì hoãn việc ra Phán quyết trọng tài
hoặc vượt quá phạm vi của thỏa thuận trọng tài.
Điều 21. Quy định chung đối với Trọng tài viên
- Khi nhận được thông báo về việc được chọn hoặc được chỉ định làm
Trọng tài viên và trong quá trình tố tụng trọng tài, người được chọn
hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên phải thông báo kịp thời cho
VNEAC về bất kỳ sự việc nào có thể gây nghi ngờ về sự vô tư, độc
lập và khách quan của mình để VNEAC thông báo cho các bên.
- Trọng tài viên không được hành động như là luật sư của bất kỳ bên
nào.
- Người được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên không được
làm Trọng tài viên trong các trường hợp sau:
3.1 Là người thân thích hoặc là người
đại diện của một bên.
3.2 Có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp.
3.3 Đã là hòa giải viên, người đại diện,
luật sư của bất kỳ bên nào trong chính vụ tranh chấp đang được đưa
ra giải quyết tại VNEAC, trừ khi các bên chấp thuận bằng văn bản.
3.4 Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài
viên không vô tư, độc lập hoặc không khách quan.
3.5 Không đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể mà
các bên đã thỏa thuận.
3.6 Không đáp ứng tiêu chuẩn theo pháp luật
trọng tài được áp dụng.
4. Trong quá trình tố tụng trọng tài, Trọng tài viên
không được gặp hoặc liên lạc riêng với bất kỳ bên nào; không bên
nào được gặp hoặc liên lạc riêng với Trọng tài viên để trao đổi các
vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp.
5. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về tiêu chuẩn cụ thể của
Trọng tài viên thì Trọng tài viên được xem là đáp ứng tiêu chuẩn đó,
trừ khi trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về Trọng
tài viên được chọn hoặc được chỉ định, một bên có yêu cầu thay đổi
Trọng tài viên với lý do Trọng tài viên đó không đủ tiêu chuẩn mà
các bên đã thỏa thuận. Việc thay đổi Trọng tài viên trong trường hợp
này được thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Quy tắc này.
6. Khi nhận được thông báo về việc được chọn hoặc được chỉ định làm
Trọng tài viên, Trọng tài viên phải từ chối nhận giải quyết vụ tranh chấp nếu
tự xét thấy không đủ năng lực chuyên môn, thời gian, sức khỏe đảm bảo việc giải
quyết tranh chấp đạt hiệu quả cao nhất.
Điều 22.
Thay đổi Trọng tài viên
- Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu thay
đổi Trọng tài viên nếu Trọng tài viên thuộc một trong các trường hợp quy định tại
khoản 3 Điều 21 của Quy tắc này.
- Thông báo từ chối giải quyết vụ tranh chấp của Trọng tài viên, Đơn yêu
cầu thay đổi Trọng tài viên của một bên hoặc các bên phải được gửi
tới VNEAC bằng văn bản.
- Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài chưa được thành lập, việc thay đổi Trọng tài
viên do Chủ tịch VNEAC quyết định.
Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài đã được thành lập, việc thay đổi Trọng tài viên
do các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài quyết định. Trường hợp các thành
viên còn lại của Hội đồng Trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài
viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, Chủ tịch VNEAC
quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên.
- Trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài hoặc Chủ
tịch VNEAC quyết định thay đổi Trọng tài viên, Trọng tài viên thay thế
được chọn hoặc được chỉ định theo các quy định tại Điều 18 hoặc Điều
19 của Quy tắc này. Các bên không được chọn lại Trọng tài viên đã bị
thay đổi, Chủ tịch VNEAC không được chỉ định lại Trọng tài viên đã
bị thay đổi.
Trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài hoặc Chủ
tịch VNEAC quyết định không thay đổi Trọng tài viên thì Trọng tài viên
này phải tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp.
- Quyết định của Chủ tịch VNEAC hoặc quyết định của các thành viên còn lại
của Hội đồng Trọng tài về việc thay đổi Trọng tài viên có thể không
nêu căn cứ ra quyết định. Quyết định này là cuối cùng.
- VNEAC hoặc Hội đồng Trọng tài có thể ấn định các chi phí phát sinh
từ việc thay đổi Trọng tài viên và quyết định một bên hoặc các bên
phải chịu chi phí đó.
- Trong trường hợp Trọng tài viên vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan
không thể tiếp tục tham gia giải quyết tranh chấp hoặc bị thay đổi thì việc chọn,
chỉ định Trọng tài viên thay thế được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định
tại Điều 18 hoặc Điều 19 của Quy tắc này.
- Hội đồng Trọng tài được thành lập sau khi thay đổi Trọng tài viên có thể xem xét
lại những vấn đề đã được đưa ra tại các phiên họp giải quyết tranh chấp của Hội
đồng Trọng tài trước đó, có tham khảo ý kiến của các bên.
Điều 23. Xem xét thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài
- Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền quyết định về thẩm quyền của chính
Hội đồng Trọng tài, ngay cả trong trường hợp có phản đối về sự tồn tại
hoặc hiệu lực của thỏa thuận trọng tài.
- Trước khi xem xét nội dung của vụ tranh chấp, Hội đồng Trọng tài phải
xem xét sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài, hiệu lực của thỏa thuận
trọng tài, thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và
xem xét phạm vi thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, cho dù có hoặc không
có khiếu nại của một bên về các vấn đề này. Trong trường hợp Hội
đồng Trọng tài xét thấy thỏa thuận trọng tài có tồn tại, thỏa thuận
trọng tài có hiệu lực và thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được
thì Hội đồng Trọng tài tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp.
Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài xét thấy thỏa thuận trọng tài không
tồn tại hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài
không thể thực hiện được, Hội đồng Trọng tài ra quyết định đình chỉ
giải quyết vụ tranh chấp.
- Hội đồng Trọng tài có thể ban hành riêng Quyết định về thẩm quyền của
Hội đồng Trọng tài hoặc quyết định vấn đề thẩm quyền của Hội đồng
Trọng tài trong Phán quyết trọng tài.
- Quyết định của Hội đồng Trọng tài về hợp đồng vô hiệu không làm mất
hiệu lực của thỏa thuận trọng tài.
- Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu phát hiện Hội đồng Trọng tài
vượt quá thẩm quyền, các bên có quyền khiếu nại với Hội đồng Trọng
tài. Hội đồng Trọng tài phải xem xét, quyết định.
Điều 24. Thẩm quyền xác minh sự việc của Hội đồng Trọng tài
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu xét thấy cần thiết, Hội đồng Trọng tài
có quyền gặp hoặc trao đổi với một bên với sự có mặt của bên kia bằng hình thức
thích hợp, để làm sáng tỏ tài liệu có liên quan. Hội đồng Trọng tài có thể tự mình
hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên tìm hiểu sự việc từ người thứ ba, với sự
có mặt của các bên hoặc sau khi đã thông báo cho các bên biết.
Điều 25. Cung cấp chứng cứ và thu thập chứng cứ
- Các bên có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Hội đồng Trọng tài để chứng minh các sự
việc có liên quan đến nội dung tranh chấp. Hội đồng Trọng tài có quyền yêu
cầu các bên cung cấp chứng cứ.
- Theo yêu cầu của một hoặc các bên, Hội đồng Trọng tài có quyền yêu cầu người làm
chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp.
- Hội đồng Trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền trưng
cầu giám định, định giá tài sản trong vụ tranh chấp để làm căn cứ cho việc giải
quyết tranh chấp. Chi phí giám định, định giá do bên yêu cầu giám định, định giá
nộp hoặc do Hội đồng Trọng tài phân bổ.
- Hội đồng Trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền tham
vấn ý kiến của chuyên gia.
Hội đồng Trọng tài có quyền yêu cầu các bên cung cấp cho chuyên gia
các thông tin có liên quan, hoặc cho phép chuyên gia tiếp cận các tài
liệu, hàng hóa hoặc tài sản có liên quan.
Chuyên gia phải nộp báo cáo bằng văn bản cho Hội đồng Trọng tài. Sau
khi nhận được báo cáo, Hội đồng Trọng tài gửi bản sao của báo cáo
đó cho các bên và yêu cầu các bên cho ý kiến bằng văn bản về báo
cáo này.
Chi phí chuyên gia do bên yêu cầu tham vấn chịu hoặc do Hội đồng Trọng tài phân
bổ, và phải được nộp trong thời hạn do Hội đồng trọng tài ấn định. Trong mọi trường
hợp, nếu chi phí tham vấn chuyên gia không được nộp đủ, Hội đồng Trọng
tài giải quyết vụ tranh chấp trên cơ sở hồ sơ hiện có.
- Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài, một hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần
thiết để thu thập chứng cứ nhưng vẫn không thể thu thập được thì có thể gửi văn
bản đề nghị tòa án có thẩm quyền hỗ trợ theo quy định của pháp luật liên quan.
Điều 26. Thẩm quyền triệu tập người làm chứng của Hội đồng Trọng tài
- Theo yêu cầu của một hoặc các bên và xét thấy cần thiết, Hội đồng Trọng tài có quyền
yêu cầu người làm chứng có mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp. Chi phí cho
người làm chứng do bên yêu cầu triệu tập người làm chứng chịu hoặc do Hội đồng trọng
tài phân bổ.
- Trường hợp người làm chứng đã được Hội đồng Trọng tài triệu tập hợp lệ nhưng không
đến phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt này gây cản trở cho
việc giải quyết tranh chấp, thì Hội đồng Trọng tài có thể gửi văn bản đề nghị tòa
án có thẩm quyền ra quyết định triệu tập người làm chứng đến phiên họp giải quyết
tranh chấp.
- Trong trường hợp người làm chứng đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt,
Hội đồng Trọng tài quyết định hoãn phiên họp giải quyết vụ tranh chấp
hoặc vẫn tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp trên cơ sở hồ
sơ hiện có.
Điều
27. Biện pháp khẩn cấp tạm thời
- Trong quá trình tố tụng trọng tài, một bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài hoặc
Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp
luật liên quan.
- Hội đồng Trọng tài có thể ban hành quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp
khẩn cấp tạm thời sau đây đối với các bên tranh chấp:
2.1. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản
đang tranh chấp;
2.2. Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh
chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi
ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;
2.3. Kê biên tài sản đang tranh chấp;
2.4. Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán
hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;
2.5. Yêu cầu tạm thời về việc trả
tiền giữa các bên;
2.6. Cấm chuyển dịch quyền về tài
sản đối với tài sản đang tranh chấp.
- Trường hợp một bên đã yêu cầu tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp
tạm thời quy định tại khoản 2 Điều này mà sau đó lại có đơn yêu cầu Hội đồng Trọng
tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Hội đồng Trọng tài phải từ chối. Bên yêu
cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thông báo ngay cho Hội đồng
Trọng tài biết về việc yêu cầu này.
- Việc yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không bị
coi là sự từ bỏ thỏa thuận trọng tài hoặc khước từ tố tụng trọng tài.
- Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nêu rõ biện pháp khẩn cấp tạm
thời yêu cầu được áp dụng, các yêu cầu cụ thể, đồng thời trình bày căn cứ cho sự
cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
- Theo quyết định của Hội đồng Trọng tài, bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính tương ứng với giá trị thiệt hại có
thể phát sinh do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây ra. Việc bảo
đảm tài chính có thể được thực hiện bằng cách gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá
quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do Hội đồng Trọng
tài quyết định. Hội đồng Trọng tài phải ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn
cấp tạm thời sau khi bên yêu cầu đã thực hiện nghĩa vụ bảo đảm theo yêu cầu của
Hội đồng Trọng tài.
- Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm về yêu cầu
của mình. Trong trường hợp bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không
đúng và gây thiệt hại cho bên kia hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
- Trường hợp không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của một bên,
Hội đồng Trọng tài phải thông báo bằng văn bản cho bên yêu cầu biết.
- Theo yêu cầu của một bên, Hội đồng Trọng tài có quyền xem xét ra quyết định thay
đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời vào bất kỳ thời điểm nào trong
quá trình tố tụng trọng tài. Hội đồng Trọng tài hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời
đã được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
9.1. Bên yêu cầu áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ.
9.2. Bên phải thi hành quyết định
áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện
biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu.
9.3. Nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ
được chấm dứt theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên
quan.
Điều
28. Thương lượng, Hoà giải
- Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài đã thành lập, nếu các bên tự thương lượng và
thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu Hội đồng
Trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.
- Khi có yêu cầu hòa giải của các bên, Hội đồng Trọng tài tiến hành hòa giải. Trong
trường hợp hòa giải thành, biên bản hòa giải thành phải được lập và có chữ ký của
các bên và chữ ký của các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất. Trong trường
hợp này, Hội đồng Trọng tài ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết
định công nhận sự thỏa thuận của các bên có giá trị chung thẩm, ràng buộc các bên
và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Điều 29. Đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp
- Vụ tranh chấp được đình chỉ giải quyết trong các trường hợp sau đây:
1.1. Nguyên đơn hoặc Bị đơn là cá nhân
đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế.
1.2. Nguyên đơn hoặc Bị đơn là cơ
quan, tổ chức chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia,
tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức mà quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức
này không được tiếp nhận và kế thừa.
1.3. Nguyên đơn rút Đơn khởi kiện
hoặc được xem là đã rút Đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 của Quy
tắc này, trừ trường hợp Bị đơn có đơn kiện lại.
1.4. Các bên thỏa thuận chấm dứt việc
giải quyết vụ tranh chấp.
1.5. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết
vụ tranh chấp của Hội đồng Trọng tài theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Quy tắc
này.
- Trường hợp Hội đồng Trọng tài chưa được thành lập, Chủ tịch VNEAC ra quyết định
đình chỉ giải quyết tranh chấp. Trường hợp Hội đồng Trọng tài đã được thành lập,
Hội đồng Trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.
Điều 30. Phiên họp giải quyết tranh chấp
- Thời gian và địa điểm mở phiên họp giải quyết tranh chấp do Hội đồng Trọng tài quyết
định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Giấy triệu tập tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp lần thứ nhất phải được gửi
cho các bên chậm nhất mười lăm ngày trước ngày mở phiên họp, trừ trường hợp các
bên có thoả thuận khác.
Trường hợp hoãn phiên họp, Hội đồng Trọng tài quyết định ngày mở phiên họp tiếp
theo, thời hạn gửi giấy triệu tập do Hội đồng Trọng tài quyết định, trừ trường hợp
các bên có thỏa thuận khác.
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, Phiên họp giải quyết tranh chấp được
tiến hành không công khai. Hội đồng Trọng tài có quyền áp dụng các biện
pháp thích hợp nếu xét thấy một bên vi phạm quy định này.
Các bên có quyền mời người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho
mình tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp, đồng thời phải thông báo cho Hội đồng
Trọng tài về danh sách và tư cách tố tụng của người tham dự trước ngày mở phiên
họp giải quyết tranh chấp.
Trong trường hợp xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu hợp lý của một bên hoặc các
bên, Hội đồng Trọng tài có quyền mời chuyên gia giám định, chuyên gia định giá tài
sản hoặc chuyên gia khác theo quy định tại Điều 25 của Quy tắc này tham dự
phiên họp giải quyết tranh chấp.
- Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp
bằng hình thức trực tuyến thích hợp nếu các bên lựa chọn hình thức này.
- Tại phiên họp giải quyết tranh chấp, nếu xét thấy các bên không còn
tài liệu, chứng cứ liên quan để cung cấp hoặc không còn nội dung nào của
vụ tranh chấp cần làm rõ, Hội đồng Trọng tài tuyên bố phiên họp giải quyết
tranh chấp là phiên họp cuối cùng. Hội đồng Trọng tài không có nghĩa
vụ xem xét bất kỳ tài liệu hoặc chứng cứ bổ sung nào sau khi kết thúc
phiên họp cuối cùng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Điều 31. Hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp
- Trong trường hợp có lý do chính đáng, một bên hoặc các bên có thể yêu cầu Hội đồng
Trọng tài hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp. Yêu cầu hoãn phiên họp giải quyết
tranh chấp phải bằng văn bản, nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ và được gửi đến VNEAC
chậm nhất 07 ngày trước ngày mở phiên họp giải quyết tranh chấp. Bên yêu cầu hoãn
phải chịu mọi chi phí phát sinh, nếu có.
Hội đồng Trọng tài xem xét, quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu hoãn
và thông báo cho các bên.
- Trong trường hợp có trở ngại khách quan hoặc có phát sinh tình tiết mới mà Hội đồng
Trọng tài nhận thấy cần làm rõ, Hội đồng Trọng tài có thể hoãn phiên họp giải quyết
tranh chấp và kịp thời thông báo cho các bên.
- Thời hạn hoãn phiên họp do Hội đồng Trọng tài quyết định.
Điều
32. Việc vắng mặt của các bên
- Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng
mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp nhưng không được Hội đồng Trọng
tài chấp thuận thì được xem là đã rút Đơn khởi kiện. Trong trường hợp này, Hội đồng
Trọng tài chỉ tiếp tục giải quyết tranh chấp nếu Bị đơn có yêu cầu hoặc có Đơn kiện
lại.
- Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng
mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp nhưng không được Hội đồng Trọng
tài chấp thuận thì Hội đồng Trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp căn cứ
vào tài liệu và chứng cứ hiện có trong hồ sơ.
- Trong trường hợp có Đơn kiện lại, nếu Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên
họp giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp
nhưng không được Hội đồng Trọng tài chấp thuận thì được xem là đã rút Đơn kiện lại.
Trường hợp này, Hội đồng Trọng tài chỉ tiếp tục giải quyết Đơn kiện lại khi Nguyên
đơn có yêu cầu.
- Trong trường hợp các bên có yêu cầu, Hội đồng Trọng tài có thể căn cứ vào tài liệu
và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự
có mặt của các bên.
- Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp khi có yêu cầu
vắng mặt của một bên.
Điều 33. Nguyên tắc lập Phán quyết trọng tài và các Quyết định của Hội đồng
trọng tài
Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên, Phán quyết trọng tài
và các Quyết định của Hội đồng Trọng tài được lập bằng cách biểu quyết theo nguyên
tắc đa số. Nếu không đạt được đa số, Phán quyết trọng tài và các Quyết
định của Hội đồng Trọng tài được quyết định bởi Chủ tịch Hội đồng
Trọng tài.
Điều 34.
Phán quyết Trọng tài
- Phán quyết trọng tài phải được lập bằng văn bản và có các nội dung chủ yếu sau đây:
1.1. Ngày, tháng, năm và địa điểm
ban hành Phán quyết trọng tài;
1.2. Tên, địa chỉ của Nguyên đơn và
Bị đơn;
1.3. Tên các Trọng tài viên hoặc Trọng
tài viên duy nhất;
1.4. Tóm tắt tiến trình tố tụng trọng
tài;
1.5. Tóm tắt Đơn khởi kiện và các
vấn đề tranh chấp; tóm tắt Bản tự bảo vệ; tóm tắt Đơn kiện lại và các vấn đề tranh
chấp;
1.6. Nhận định của Hội đồng Trọng
tài về thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp;
1.7. Nhận định của Hội đồng Trọng tài về
nội dung vụ tranh chấp;
1.8. Căn cứ ban hành Phán quyết;
1.9. Kết quả giải quyết tranh chấp;
1.10. Thời hạn thi hành Phán quyết;
1.11. Phân bổ chi phí trọng tài và các chi
phí khác có liên quan;
1.12. Chữ ký của các Trọng tài viên hoặc
Trọng tài viên duy nhất.
- Phán quyết trọng tài được ban hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên
họp cuối cùng.
- Khi có Trọng tài viên không ký vào Phán quyết trọng tài, việc này phải
được ghi nhận trong Phán quyết trọng tài. Trong trường hợp này, Phán quyết
trọng tài vẫn có hiệu lự
- Phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm, ràng buộc các bên và có hiệu lực kể
từ ngày ban hành.
- Phán quyết trọng tài được gửi cho mỗi bên Nguyên đơn và Bị đơn 01 bản chính ngay
sau khi ban hành. Các bên có quyền yêu cầu VNEAC cấp bản sao Phán quyết trọng
tài và phải trả phí theo quy định của VNEAC.
Điều 35. Sửa chữa, giải thích Phán quyết trọng tài; ban hành Phán quyết
trọng tài bổ sung
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 30 ngày kể
từ ngày nhận được Phán quyết trọng tài, các bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài
sửa chữa lỗi về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai trong Phán quyết
trọng tài và phải thông báo ngay cho bên kia biết. Trường hợp Hội đồng Trọng tài
xét thấy yêu cầu chính đáng và có chứng cứ về việc yêu cầu này đã được
thông báo cho bên kia, Hội đồng Trọng tài phải ban hành Quyết định sửa chữa trong
thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành Phán quyết trọng tài, Hội
đồng Trọng tài có thể chủ động lập Quyết định sửa chữa các lỗi quy
định tại khoản 1 Điều này.
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 30 ngày kể
từ ngày nhận được Phán quyết trọng tài, các bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài
giải thích một hoặc một số nội dung không rõ ràng của Phán quyết trọng tài và phải
thông báo ngay cho bên kia biết. Trường hợp Hội đồng Trọng tài xét thấy yêu cầu
chính đáng và có chứng cứ về việc yêu cầu này đã được thông báo cho
bên kia, Hội đồng Trọng tài phải ban hành Quyết định giải thích trong thời hạn
30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 30 ngày kể
từ ngày nhận được Phán quyết trọng tài, một bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài
ban hành Phán quyết trọng tài bổ sung đối với những yêu cầu được trình bày trong
quá trình tố tụng nhưng không được ghi nhận trong Phán quyết trọng tài và phải thông
báo ngay cho bên kia biết. Nếu Hội đồng Trọng tài xét yêu cầu này chính đáng và
có chứng cứ về việc yêu cầu này đã được thông báo cho bên kia, Hội
đồng Trọng tài phải ban hành Phán quyết trọng tài bổ sung trong thời hạn 30 ngày
kể từ ngày nhận được yêu cầu.
- Trong trường hợp có trở ngại khách quan, Hội đồng Trọng tài có thể gia hạn việc
sửa chữa, giải thích Phán quyết trọng tài hoặc lập Phán quyết trọng tài bổ sung.
Thông báo về việc gia hạn phải được gửi cho các bên.
- Quyết định sửa chữa, Quyết định giải thích hoặc Phán quyết trọng tài bổ sung là
một phần của Phán quyết trọng tài và phải được gửi ngay cho các bên sau khi ban
hành.
- Việc sửa chữa, giải thích Phán quyết trọng tài hoặc lập Phán quyết trọng tài bổ
sung được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 34 của Quy tắc này.
Điều 36. Phí trọng
tài
Phí trọng tài gồm:
- Chi phí thù lao cho các Trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp;
- Chi phí hành chính của VNEAC liên quan đến việc giải quyết vụ tranh chấp;
- Chi phí giám định, định giá tài sản, chi phí tham vấn ý kiến chuyên gia, chi phí
đi lại cho người làm chứng.
- Chi phí đi lại, chi phí lưu trú và các chi phí có liên quan khác cho các Trọng tài
viên trong Hội đồng Trọng tài và thư ký.
- Chi phí thuê phòng họp và các chi phí liên quan đến việc tổ chức phiên họp giải
quyết tranh chấp tại một địa điểm ngoài trụ sở của VNEAC theo sự lựa chọn của
các bên.
Điều 37. Nộp
phí trọng tài
- Khi nộp Đơn khởi kiện, Đơn khởi kiện bổ sung, Nguyên đơn phải nộp toàn bộ các khoản
phí trọng tài được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 36 của Quy tắc này. Các
khoản phí này được tính theo giá trị của vụ tranh chấp quy định tại Biểu phí trọng
tài của VNEAC đang có hiệu lực tại thời điểm nộp đơn. Trường hợp trong
Đơn khởi kiện hoặc Đơn khởi kiện bổ sung không nêu trị giá tranh chấp thì mức phí
cụ thể do VNEAC quyết định. Trường hợp Nguyên đơn không nộp đủ các khoản phí trọng
tài trong thời hạn VNEAC ấn định thì được xem là rút Đơn khởi kiện hoặc Đơn khởi
kiện bổ sung, Nguyên đơn không mất quyền nộp lại Đơn khởi kiện hoặc Đơn khởi kiện
bổ sung.
- Khi nộp Đơn kiện lại, Đơn kiện lại bổ sung, Bị đơn phải nộp toàn bộ các khoản phí
trọng tài được nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 của Quy tắc này. Trường hợp bị đơn
không nộp đủ các khoản phí trọng tài trong thời hạn VNEAC ấn định thì được xem
là rút Đơn kiện lại, Đơn kiện lại bổ sung.
- Các chi phí nêu tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 36 của Quy tắc này do bên yêu
cầu chịu hoặc do Hội đồng Trọng tài phân bổ. Trường hợp bên yêu cầu, hoặc bên được
phân bổ không nộp đủ các khoản tạm ứng này trong thời hạn quy định thì Hội đồng
Trọng tài tạm dừng giải quyết vụ tranh chấp. Một bên có thể nộp thay cho bên kia
theo yêu cầu của VNEAC để quá trình tố tụng được tiếp tục.
- Các chi phí quy định tại khoản 1 và 2 Điều 36 của Quy tắc này phải được các bên
nộp đủ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của VNEAC; Các phí
quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 36 của Quy tắc này phải được các bên
thanh toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của VNEAC.
- Theo yêu cầu của bên có nghĩa vụ nộp phí, Hội đồng trọng tài có thể gia hạn thời
hạn nộp phí.
- Trường hợp phát sinh các chi phí hợp lệ sau khi các bên đã nộp đủ chi phí quy định
tại Điều này, bên yêu cầu hoặc bên được phân bổ có nghĩa vụ nộp bổ sung trong thời
hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của VNEAC.
Điều 38. Quyết định về phí trọng tài và các chi phí liên quan
- Hội đồng Trọng tài quyết định việc phân bổ phí trọng tài cho các bên và phải được
ghi nhận trong phán quyết trọng tài, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Trường hợp hòa giải thành theo khoản 2 Điều 28 của Quy tắc này, mỗi bên chịu 50%
mức phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Hội đồng Trọng tài có quyền quyết định một bên phải chịu toàn bộ hoặc một phần chi
phí pháp lý và chi phí hợp lý khác của bên kia.
Điều 39. Thủ tục rút gọn
- Vụ tranh chấp có thể được giải quyết theo Thủ tục rút gọn, nếu các bên có
thỏa thuận áp dụng Thủ tục rút gọn.
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, khi tiến hành Thủ tục rút
gọn, các quy định sau được áp dụng:
2.1 Hội đồng Trọng tài giải quyết tranh chấp
theo Thủ tục rút gọn gồm Trọng tài viên duy nhất.
2.2 Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài đã thành
lập theo Thủ tục thông thường trong quá trình tố tụng trước đó, Hội đồng Trọng
tài giải quyết tranh chấp theo Thủ tục rút gọn chính là Hội đồng Trọng tài đã được
thành lập.
2.3 Hội đồng Trọng tài hoặc VNEAC, trong
trường hợp Hội đồng Trọng tài chưa thành lập, có thể rút ngắn bất kỳ thủ tục
nào được quy định trong Quy tắc này.
2.4 Hội đồng Trọng tài căn cứ vào tài liệu
và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp không
cần sự có mặt của các bên, trừ khi có sự phản đối của một bên. Hội
đồng Trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp
bằng hình thức teleconference, video-conference hoặc các hình thức thích
hợp khác, trừ khi có sự phản đối của một bên.
3. Khi các bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp theo Thủ tục
rút gọn, Thủ tục rút gọn được áp dụng ngay cả trong trường hợp thỏa thuận trọng
tài có nội dung trái ngược với các điều kiện của Thủ tục rút gọn.
Điều 40. Điều
khoản chung
- VNEAC không tự giải quyết các vụ tranh chấp. Việc giải quyết tranh chấp
được tiến hành bởi Hội đồng Trọng tài.
- Đối với các vấn đề không được quy định trong Quy tắc này, VNEAC và
Hội đồng Trọng tài có quyền hành động theo tinh thần của Quy tắc này
và nỗ lực giải quyết vụ tranh chấp một cách công bằng và hiệu quả.
- Chủ tịch VNEAC có thể ủy quyền cho một Phó Chủ tịch VNEAC ban hành
các quyết định thuộc thẩm quyền của Chủ tịch VNEAC được quy định trong
Quy tắc này.
- Thư ký VNEAC có nhiệm vụ thực hiện các công việc trong quá trình tố
tụng trọng tài theo Quy tắc này, thừa lệnh các hội đồng trọng tài và theo quy
định của VNEAC.
- VNEAC có thể ủy quyền cho các Chi nhánh của VNEAC thực hiện các công
việc của VNEAC được quy định trong Quy tắc này.