NHẬN
THỨC CƠ BẢN VỀ LUẬT
1.1. Khái niệm và phân loại:
Cách hiểu pháp luật của
các trường phái pháp luật có khác nhau. Trên thế giới có 04 trường phái pháp luật
lớn: Trường phái Anh-Mỹ (Common law), trường phái La Mã (Continental law), trường
phái xã hội chủ nghĩa (Sovietque law) và trường phái Hồi giáo (Islam law). Theo
đó, Trường phái Anh-Mỹ chiếm khoảng 36%, trường phái La Mã chiếm khoảng 58%,
trường phái xã hội chủ nghĩa khoảng 1% và trường phái Hồi giáo ở phần còn lại với
pháp luật toàn cầu.
Khái niệm Pháp Luật, theo trường phái Sovietque law từ Liên Xô, thể hiện
tính bao cấp nhà nước; theo đó, pháp luật do Nhà nước đặt ra, tự chế tạo ra
theo ý chí giai cấp. mà nhà nước ban hành ra bằng văn bản. Từ đó, người học đồng
nhất hình thức pháp luật là các văn bản của nhà nước ban xuống. Học luật là chỉ
học các điều luật trong các văn bản đó mà thôi. Khi nhà nước ban hành văn bản
khác thay đổi thì học lại. Trong quốc gia có quan hệ xã hội nào đó mâu thuẫn
xung đột mà chưa có văn bản luật nhà nước ban ra, thì không giải quyết được. Ở
Việt Nam, rất nhiều người phát biểu rằng, “luật của ta còn nhiều kẽ hở” và như
vậy, ước muốn nhà nước ban hành càng nhiều văn bản luật lệ, là bao tất cả mọi cấp
độ, mọi ngõ ngách điều chỉnh hết thảy, là ước muốn “ý chí bao cấp đề lên thành
luật”, phục hoạt lại chế độ bao cấp. Đây cũng là quan đểm của
VN trong các trường luật và thâm căn cú đế ở Hà Nội. Chính cách hiểu sai lầm của
nhiều giảng viên, vô số các luật sư và hầu như tất cả các sinh viên luật nhận
thức pháp luật đã sai những khái niệm pháp lý cơ bản và không hội nhập với
quan niệm chung của thế giới. Trọng tài viên nhận định phân tích vụ án và xét xử
không khác gì thẩm phán của Tòa án, thậm chí, còn lấy mẫu bản án làm phán quyết
trọng tài.
Quan niệm của các trường phái Anh Mỹ và Châu Âu thì khác hẳn: Pháp luật, với
tư cách là các quy tắc vận hành mọi sự vật hiện tượng, đã có từ khi có xã hội.
Bất kỳ sự vận hiện tượng nào
cũng vận hành theo luật thì mới phát triển, còn vận hành không đúng luật thì sẽ
tiêu vong hoặc thất bại. Khi có ngôn ngữ, các quy tắc vận hành của sự vật hiện
tượng có nhiều tên gọi khác nhau: Lão Tử gọi là Đạo, tiếng Anh gọi là Law, tiếng
Latinh gọi là Lex, một số ngôn ngữ gọi là Pháp, hoặc đồng nghĩa với phép tắc
thiên địa, có khi gọi là Thiên trong câu “thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả
tử - Theo đúng luật thì tồn tại – Trái với luật thì tiêu vong”.
Ở Việt Nam, chính khái niệm (cách hiểu) về Pháp luật như vậy,
đồng nhất pháp luật là văn bản của nhà nước đã làm cho nhận thức về Pháp luật bị
hạn hẹp, có thể dẫn đến tư vấn pháp luật sai và có cách hành xử sai.
Tóm lại, Pháp Luật là tên
gọi chung dùng để chỉ các quy tắc vận hành mọi sự vật hiện tượng. Đặc trưng khởi
nguyên của Pháp Luật là vô hình, vô tướng nhưng đều là các quy tắc vận hành sự
việc và có nhiều tên gọi khác nhau như Pháp, Lệ, quy ước, Đạo, Thiên, Phép tắc,
Law, Lex, định luật, quy luật ... có trong tất cả các lãnh vực.
Về phân loại, do cách hiểu Pháp Luật là
các quy tắc vận hành mọi sự vật hiện tượng nên có nhiều loại pháp luật. Một
nguyên tắc phân loại dựa vào căn cứ. Mỗi loại căn cứ lại chia làm nhiều pháp luật
ở góc độ khác nhau.
* Nếu căn cứ vào chữ viết, ta có Pháp
luật thành văn bản và Pháp luật bất thành văn:
Một cách dễ hiểu, pháp luật thành văn có biểu
hiện bằng văn bản, phân chia điều khoản rõ ràng để dễ đọc. Còn pháp luật bất
thành văn không thể hiện ra văn bản mà đó là các quy tắc, quy ước, cam kết
..v.v... vô hình vô tướng nhưng tồn tại đương nhiên trong cuộc sống xã hội, là
những lập trình sự vận hành trong tự nhiên và xã hội.
Như vậy, pháp luật
thành văn chỉ là bộ phận rất nhỏ của hệ thống pháp luật đồ sộ cá quy tắc vận
hành trong tự nhiên và xã hội. Bởi lẽ, pháp luật thành văn do con người mày mò
tìm hiểu các quy luật và ghi chép lại, thể hiện sự hiểu biết hữu hạn của con
người với sự phong phú đa dạng đến vô tận các quy tắc được lập trình tạo nên vũ
trụ này.
Ở Việt Nam, do
quan niệm pháp luật là các văn bản của nhà nước ban hành, nên pháp luật bất
thành văn chỉ có ở dạng tập quán pháp lý. Tập quán pháp lý là các quy tắc xử sự
ở một vùng địa lý hay một địa phương nào đó, như một vài trò chơi game nhỏ đơn
lẻ có luật lệ riêng. Thí dụ như một vài bộ lạc ở Tây nguyên có luật lệ riêng về
nhà Rông, mặc khố ..v.v... Hiểu về luật bất thành văn như vậy là không đúng về
tư duy logic pháp lý khi đồng nhất cái toàn thể thành một cái đơn lẻ, cái tổng
hợp bao trùm thành cái cá biệt.
*
Căn cứ vào tính chất của quan hệ pháp luật, phân chia luật Công và luật Tư:
Luật Công: Luôn
luôn do cơ quan nhà nước ban hành (Quốc hội) có tính chất đều chỉnh quan hệ giữ
các cơ quan nhà nước với nhau. Điển hình như Luật Hành chính mà ở phương Đông,
Khổng Tử gọi là một trong “Tam cương: Quân thần, Phụ tử, Phu thê” và luật hành
chính là “Đạo Quân thần”.
Luật Tư: Có thể
do cơ quan nhà nước ban hành nhưng đại đa số do các tổ chức tư nhân, các cá
nhân quy ước với nhau. Nếu do cơ quan nhà nước (Quốc hội) ban hành, gọi là Pháp
điển hóa nhà nước nên có người lầm tưởng là luật công. Thí dụ Luật Lao động của
Pháp. Tuy nhiên, phạm vi Luật Tư rất rộng, bao gồm cả luật thành văn và bất
thành văn với chủ thể ban hành đa dạng và rất nhiều. Thí dụ như nội quy lao động,
quy chế làm việc từng công ty, hợp đồng các loại, các cam kết xã hội..v.v...
Ở Việt nam, do
cách hiểu đồng nhất pháp luật là văn bản của nhà nước ban hành nên không có
khái niệm về luật tư và luật bất thành văn, nhưng nó vẫn hiển nhiên tồn tại và
lập trình vận hành trong đời sống xã hội. Cho nên, có nhiều người không phân biệt Luật hành chính
trong lãnh vực tư nhân, các văn bản cấp trên của các đơn vị tư nhân như trường
tư thục, trường cộng đồng có những sai phạm, những bất hợp lý, sai thẩm quyền
nhưng các thẩm phán cũng ngại ngần hủy bỏ những văn bản bất hợp lý này.
* Nếu phân loại theo giá trị tối cao, chúng ta có khái niệm
Pháp quyền và Pháp trị: Khái
niệm Pháp quyền và Pháp trị: Pháp quyền ( 法 權 )
là quyền lực của luật lệ là cao nhất; khác với Pháp trị ( 法 治 )
là dùng luật pháp để cai trị xã hội. Sự ra đời cách hiểu về Pháp Quyền và Pháp
Trị ở văn minh Phương Đông và Phương Tây có sự khác biệt nhau dù cùng chung nguồn
gốc.
Ở Phương đông, Lão tử đã viết trong Đạo Đức
Kinh “Nhân pháp địa, Địa pháp thiên, Thiên pháp đạo, Đạo pháp Tự nhiên” (Người
tuân theo luật lệ của môi trường sống trên trái đất- Môi trường trái đất tuân
theo luật của hệ mặt trời – Trời tuân theo luật của những quy luật cao hơn là
vũ trụ – và những quy luật vũ trụ theo luật lệ của Tự Nhiên sinh ra.) Diễn giải
ý này, Pháp Luật là cao nhất, tự nhiên đã có, như sự lập trình cho mọi sự vật
hiện tượng. Tất cả những vận động trong xã hội đều theo luật lệ, mỗi lãnh vực đều
có luật lệ của nó như mỗi trò chơi game đều có luật riêng và nằm trong luật chung
của sự lập trình sẵn có. Nhà nước là một bộ phận trong xã hội nên cũng phải
tuân thủ theo pháp luật, dù là Vua chăng nữa, cũng theo luật, không thể trái luật,
vì trái luật, Vua cũng bị trừng phạt. Cách hiểu Pháp Quyền ở Phương Tây, từ thời
Hy Lạp cổ đại, các triết gia đã nghiên cứu về Hợp đồng, quyền sở hữu và đến các
luật gia La Mã ghi nhận vào trong hệ thống cổ luật La Mã. Như vậy, quan niệm của
Phương Tây cũng đề cao vai trò pháp luật là tối thượng vì pháp luật là các quy
phạm được lập trình tạo nên xã hội.
Trong khái niệm pháp quyền, pháp luật ban đầu
luôn là luật bất thành văn được tự nhiên sinh ra và tồn tại bằng hình thức là
các quy tắc xử sự trong cuộc sống, gọi là Quy Phạm Pháp Luật. Thành phần của
quy phạm pháp luật luôn có ba bộ phận Giả định, Quy định, Chế tài với thứ tự
không thay đổi. Trong quá trình phát triển, loài người tìm hiểu và ghi chép lại
bằng văn bản để truyền đạt, phổ biến cho đại chúng và đời sau, mục đích giúp
nhau cùng tuân thủ để không thất bại trong cuộc sống sinh tồn. Thí dụ như trong
vật lý, Newton tìm ra luật vạn vật hấp hẫn vậy. Trong khoa học tự nhiên và khoa
học xã hội, các luật lệ như quy luật, định luật, đạo luật … không phải do con
người chế tạo ra mà chỉ tìm hiểu được chúng. Luật La Mã cổ đại cũng vậy, là do
các luật gia La Mã tìm hiểu, hệ thống lại bằng văn bản và luật thành văn ra đời.
Trong Luật La Mã, những chế định như Quyền tư hữu, chế định hợp đồng … là sự
ghi nhận những quy phạm pháp luật có từ Tự Nhiên. Nhà nước, với vai trò một thiết
chế quản trị, sẽ phổ biến đại chúng và chỉ qua hình thức văn bản mới phổ biến
được. Trong quá trình tập hợp các quy tắc xử sự thành văn bản, thành bộ luật và
các điều khoản, những người làm công ăn lương trong bộ máy nhà nước cầm quyền sẽ
thêm vào những điều luật có lợi cho nhóm cầm quyền. Trong lý thuyết duy vật lịch
sử, tính lợi ích nhóm cầm quyền thể hiện trong luật thành văn này, Karl Marx gọi
là tính giai cấp. Chính bởi quan điểm về pháp quyền nhưng khả năng bị nhà cầm
quyền lạm dụng, những luật gia La Mã cổ đại đã đưa ra mô hình nhà nước tam quyền
phân lập. Đặc biệt là hệ thống tòa án độc lập. “Gia đình là tế bào của xã hội”
là nhận định sai bét nhè của Engel vì xã hội loài người được cấu thành bởi những
cá nhân. Những cá nhân kết nối với nhau tạo thành gia đình, doanh nghiệp, các tổ
chức hội đoàn và cả nhà nước. Tất cả những kết nối này thông qua hình thức hợp
đồng. Rousseau đã viết cuốn “Khế ước xã hội” nói về hợp đồng của người dân tạo
nên nhà nước và nhà nước phải đứng dưới luật hợp đồng. Bởi lẽ, Pháp luật là tối
thượng và nhà nước pháp quyền, là nhà nước do Pháp luật sinh ra và phải tuân thủ
theo luật chứ nhà nước không thể chế tạo ra luật pháp được. Trong quan niệm về
Pháp Quyền, các nước Phương tây hình thành chế định luật sư và chế định Bồi thẩm
đoàn.. Có thể nhận định rằng, chức danh Luật sư bắt nguồn từ quan niệm Pháp Quyền
và chỉ hoạt động hiệu quả trong quan điểm đa số tôn trọng pháp luật, coi pháp
luật là tối thượng. Có thể nói rằng, chỉ trong xã hội tồn tại quan niệm pháp
quyền, là xã hội đó có bộ máy nhà nước tam quyền phân lập, toàn án độc lập và
có Bồi thẩm đoàn thì nghề luật sư mới có môi trường hoạt động. Luật sư là nghề
có thu nhập cao, được sự nể trọng của mọi người nhưng chỉ trong điều kiện có
nhà nước pháp quyền và xã hội thấm nhuần quan điểm pháp quyền mà thôi.
Về khái
niệm pháp trị: Ở Phương Đông, thời Xuân Thu Chiến Quốc, các mưu sĩ như Thương Ưởng,
Quản Trọng và sau đó là Hàn Phi Tử khởi xướng ra thuyết Pháp Trị. Theo đó, Vua
tập hợp những quan văn võ soạn ra các văn bản chứa đựng các quy tắc xử sự mang
tính bắt buộc với dân chúng. Các văn bản này, tuy gọi là văn bản luật nhưng thực
chất, là biến thể của chiếu chỉ nhà vua. Theo đó, khái niệm pháp luật đã đồng
nhất với văn bản của nhà nước ban hành. Để phổ biến các văn bản này ra dân
chúng, hệ thống tuyên truyền của triều đình đã áp đặt tư duy cho người dân rằng
xã hội cần có luật lệ và nếu không có luật, không có triều đình nhà nước thì mọi
sự sẽ rối loạn. Người dân là những kẻ không biết luật lệ, cần phải có sự chăn dắt
của nhà nước. Nhà nước đặt ra pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo mục
đích của nhà nước. Như vậy, các văn bản của nhà nước đã trở thành pháp luật và
pháp luật gắn chặt với tính chất bạo lực cường quyền. Công Lý được hiểu là sức
mạnh nhà nước. Các quan điểm của tự nhiên hình thành từ nhiều triệu năm cũng bị
phủ định bằng sức mạnh cường quyền thông qua các văn bản pháp luật. Nói cách
khác, theo quan điểm pháp trị, pháp luật được đồng nhất là các văn bản của nhà
nước ban hành từ triều đình. Các trường dạy luật cũng chỉ dạy các văn bản của
nhà nước. Chính bởi quan niệm này, hệ thống tòa án chỉ là một chức năng của triều
đình áp dụng chiếu chỉ để xét xử. Do đó, các phẩm phán là công chức nhà nước ngạch
tư pháp và xét xử không có Bồi thẩm đoàn, phạm vi xét xử trùng với phạm vi quản
lý hành chính của bộ máy nhà nước. Nghề luật sư không hình thành và tồn tại
trong một xã hội có nhà nước pháp trị vì họ không thể tranh biện với Tòa án và
các cơ quan pháp luật có quyền lực toàn diện. Cho nên, từ thời cổ đại nhà Hạ,
nhà Chu, nhà Thương, Hán, Đường, Tống, Nguyên đến ở Việt Nam qua các triều đại
Đinh, Lý, Trần, Lê …. các quốc gia Phương Đông không có nghề luật sư mà chỉ có
các mưu sĩ chạy án, lo lót quan trường, đi đêm quà cáp để thắng kiện. Cho nên,
thực chất nghề luật sư đúng nghĩa theo cách hiểu pháp quyền không thật sự tồn tại
trong xã hội pháp trị.
Nghề luật sư ở Việt nam có những biến thiên
lịch sử. Thời Đông Dương thuộc Pháp, Chính phủ Pháp theo quan điểm pháp quyền
nên nghề luật sư được tôn vinh và thu nhập cao. Sau đó, dù Hồ Chí Minh ban hành
Sắc lệnh số 46/SL ngày 10-10-1945 về tổ chức đoàn thể luật sư nhưng thực tế,
nghề luật sư là một nghề trí thức nên thủ tiêu trong các cuộc cải cách xã hội
“trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Cho đến những năm 1995 của thế kỷ
trước, nghề luật sư được khôi phục khi Luật Luật sư được ban hành năm 2006. Mới
đầu, luật sư rất có giá và được tôn trọng. Vì sao vậy? Vì quán tính tư duy của
người dân trải qua chế độ thuộc Pháp và chế độ Việt Nam cộng hòa. Nghe nói tới
Luật sư, là người dân hy vọng vào công lý với niềm tin yêu hy vọng được bảo vệ.
Nhưng họ không hiểu sự khác biệt giữa Pháp Trị và Pháp Quyền và ngay cả nhiều
luật sư cũng không hiểu rõ môi trường xã hội mà minh hành nghề. Theo thời gian,
cơ chế pháp trị vận hành làm quán tính tư duy dừng lại, nghề luật sư dần đi vào
thoái trào và mất giá trị được tôn vinh. Hầu hết các luật sư, người kém mưu lược
và thiếu quan hệ trở thành người chạy cò các dịch vụ tố tụng, người mưu lược và
có quan hệ với cường quyền thì trở thành kẻ chạy án và đi đêm và sa đọa với
quan chức cường quyền. Con đường này là tất yếu vì môi trường tư pháp của nhà
nước pháp trị đã được lập trình từ thời cổ đại là như thế.
* Nếu căn cứ vào các lãnh vực xã hội, các ngành nghề thì
mỗi lãnh vực, mỗi ngành nghề đều có pháp luật khác nhau.
Như những trò
chơi game khác nhau thì có các luật lệ khác nhau. Trong xã hội có nhiều ngành
nghề, nhiều lãnh vực. Toán học có các quy ước về cộng trừ nhân chia, là các
tiên đề, các định luật, các đẳng thức. Vật lý cũng có các quy ước, các định luật.
Ngay cả thơ cũng có luật lệ về thơ để ấn định các thể loại. Thương mại có luật
về thương mại với các quy phạm về mua bán mà không một quốc gia nào có thể pháp
điển hóa tất cả thành một văn bản luật duy nhất được.
Lê Học Lâm